Trống Đọi Tam
Trống Đọi Tam
Trống Đọi Tam
Về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của người dân nới đây, ngoài việc cấy hái hai vụ, người dân Đọi Sơn còn duy trì và phát triển nghề truyền thống làm trống làng Đọi Tam, đây là nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ sản xuất, làng quê được thay đổi từng ngày cũng chính nhờ nghề phụ này.
Nghề làm trống làng Đọi Tam xã Đọi Sơn có từ bao giờ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Theo các nghệ nhận nơi đây kể rằng, có 2 anh em tên Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã làm ra những chiếc trống chào đón vua Lê Đại Hành đến mảnh đất Đọi Sơn cày ruộng khai sinh ra nền nông nghiệp lúa nước vào năm 987, được vua lấy tên Trống sấm đặt tên cho những chiếc trống này. Sau này, người dân làng Đọi Tam còn được lên kinh đô Thăng Long lập nghề làm trống phục vụ cho việc tế lễ ở triều đình.
Thôn Đọi Tam hiện có 650 hộ gồm 2.100 nhân khẩu nhưng có tới gần 600 thợ làm trống lành nghề. Ngoài lao động sản xuất ngay tại địa phương, họ còn tỏa đi mọi nẻo đường của đất nước để sản xuất, kinh doanh trống. Nếu như trước đây, mọi công đoạn sản xuất trống được thực hiện thủ công thì nay làng trống đã đưa vào sử dụng nhiều máy móc hiện đại như máy tiện, bào, cưa… phục vụ sản xuất, giải phóng phần nào sức lao động của con người. Nhờ vào nghề làm Trống mà nhiều hộ dân nới đây “ăn nên làm ra”. Bác Phạm Như Khanh tuổi đã ngoại ngũ tuần là người làm trống lâu năm làng Đọi Tam – tham gia làm chiếc trống Sấm lớn nhất Việt Nam (đường kính 2,05m, cao 2,75m) kể: “Lâu lắm rồi, từ khi nhà nước cho khôi phục lại các tập tục văn hóa thì cả làng rộ lên làm trống, trống bán rất chạy, trống làng Đọi được bán khắp nước. Dân buôn trống đổ đến làng mua trống rồi mang đi bán khắp nơi, người mua chủ yếu là các trường học, đội chèo và đình, chùa, miếu.v.v…”.