Nhạc cụ cổ truyền – Cò ke
Giá: Liên Hệ
Nhạc cụ cổ truyền – Cò ke
Cò ke là nhạc cụ họ dây, chi cung kéo của dân tộc Mường. Cò ke có hình dáng giống Đàn Nhị của dân tộc Việt nhưng chế tác thô sơ hơn.
Cần đàn là một đoạn gỗ tròn đường kính 1,5 cm, chiều dài 65 – 78 cm, phía đầu trên cần đàn có đục hai lỗ để cắm trục vặn dây, đầu còn lại được cắm xuyên qua bầu cộng hưởng. Bầu cộng hưởng là 1 đoạn ống bương rỗng cả hai đầu, dài khoảng 13,8 cm, đường kính 5 cm, một đầu được bịt bằng một mảnh mo bương hoặc da ếch. Ngựa đàn làm bằng tre hay gỗ dài 1 cm đặt khoảng giữa mặt da. Cò ke mắc hai dây bằng xơ dứa dại hay tơ tằm se lại, vuốt nhựa khoai lang. Hai dây lên cách nhau 1 quãng 4 hay quãng 5 (tuỳ theo từng bài). Một sợi dây tơ néo 2 dây vào sát cần đàn gọi là “cữ đàn” có tác dụng điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Khi đưa cữ đàn xuống làm ngắn quãng dây phát âm, đàn có âm thanh cao, đẩy cữ đàn lên làm dài quãng phát âm, đàn có âm thanh trầm. Cung kéo là một cành tre nhỏ được uốn cong và mắc túm xơ dứa hay những sợi giang tước nhỏ dài khoảng 53 cm, luồn vào giữa hai dây đàn.
Khi diễn tấu người sử dụng dùng tay phải kéo, đẩy cọ sát dây kéo vào 2 dây đàn để phát âm thanh. Tay trái bấm dây, với các kỹ thuật ngón rung, vuốt, nhấn, láy… Kỹ thuật tay phải gồm: Vĩ rời, vĩ luyến, vĩ ngắt.
Âm thanh của Cò Ke ấm, trong trẻo, gần giống tiếng người.
Cò Ke là nhạc cụ dùng để hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác trong đám ma và dàn nhạc lễ của người Mường.