Giới thiệu những nét cơ bản của cây Đàn Bầu Việt Nam - NHẠC CỤ PHONG VÂN

Giới thiệu những nét cơ bản của cây Đàn Bầu Việt Nam

Cây Đàn Bầu Việt Nam

Đàn Bầu là một nhạc khí độc đáo của Việt Nam, chỉ có một dây duy nhất, không có phím, dùng cần đàn (vòi đàn) để tạo nên những cao độ trầm bổng trong âm nhạc. Trong hệ thống nhạc cụ, Đàn Bầu là loại nhạc cụ có một dây, thuộc họ dây, chi dây gảy; được phân loại thành 2 kiểu là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn thân tre ra đời trước, thường dùng cho người hát xẩm hoặc những nơi không có điều kiện chế tác tỉ mỉ, ít phổ biến bằng đàn hộp gỗ ra đời sau với sự cải tiến nhiều tính năng ưu việt hơn.

Giới thiệu những nét cơ bản của cây Đàn Bầu Việt Nam

Hình dáng cơ bản của Đàn Bầu

Giới thiệu những nét cơ bản của cây Đàn Bầu Việt Nam

Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn (bằng tre, bương, luồng) hoặc hình hộp chữ nhật (bằng gỗ) thường có chiều dài khoảng 1,15 mét, cao khoảng 10,5 cm.

Các bộ phận bao gồm: một đầu to có bát âm với đường kính khoảng 12,5cm; một đầu vuốt nhỏ hơn khoảng 9,5cm; cần đàn (vòi đàn) được làm bằng sừng tre dẻo, dài khoảng 50-70cm (sau này thay bằng sừng trâu); dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ (sau này bằng dây sắt); bầu đàn làm bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống hình quả bầu; que khảy đàn thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm…, dài khoảng 10cm (sau này thiết kế ngắn lại chừng 4 – 4,5 cm).

Đối với đàn hộp gỗ, cây đàn phải hội đủ hai yếu tố “mặt ngô – thành trắc”, nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thớ gỗ óng ả, khi kết hợp với hộp cộng hưởng sẽ tạo nên những âm thanh vang, trong trẻo. Ngoài ra còn có nhiều hoa văn hoặc khảm trai được trang trí trên đàn với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân Việt Nam.

Một số tính năng của Đàn Bầu

Nhìn chung, Đàn Bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám. Đẹp nhất là âm thanh phát ra trong vòng 2 quãng tám.

Điểm đặc biệt nhất của Đàn Bầu so với những cây đàn khác là việc sử dụng “âm bồi” trong diễn tấu tác phẩm. Vì vậy mà âm sắc của Đàn Bầu vang lên vô cùng mượt mà, trong trẻo, sâu lắng và quyến rũ, rất gần với âm điệu, tiếng nói của con người nên dễ dàng chuyển tải được những tâm tư, tình cảm mà người dân lao động Việt Nam xưa kia muốn nói. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật chơi đàn như: kỹ thuật gảy bồi âm, kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ, vuốt, láy, rung, dật,… người nghệ sĩ đã tái hiện nên rất nhiều cung bậc cảm xúc phong phú. Tiếng đàn có khi buồn bã, thiết tha; có khi ngọt ngào tình tự; có khi êm dịu, trữ tình nhưng cũng có lúc khỏe mạnh, tươi vui.

Nét sáng tạo độc đáo của Đàn Bầu

Trên thế giới có vô vàn những loại nhạc cụ khác nhau. Ngay cả các nhạc cụ thuộc bộ dây cùng với Đàn Bầu cũng vô cùng phong phú. Tuy nhiên, điều gì khiến cho Đàn Bầu trở thành độc nhất vô nhị với sức quyến rũ không thể cưỡng lại?

Đàn Bầu Việt Nam, nếu chỉ có nét lạ cổ sơ là một dây, có cái bầu đàn là vỏ bầu khô, hộp đàn bằng tre, nứa, vầu, bương hay gỗ; gảy bằng ngón tay, móng hay que gảy, phát ra âm thanh do va chạm trực tiếp, 1 lần, tức là “âm thực”, thì dẫu có cách tân, hoàn thiện đến mấy về cấu tạo cũng chẳng bao giờ được coi là nhạc cụ độc đáo, kỳ diệu, tiêu biểu Việt Nam như thế giới đã ghi nhận. Đàn Bầu Việt Nam đặc sắc chính là do một sáng tạo, một phát hiện, có thể nói ở mức phát kiến của tổ tiên người Việt, ấy là cách gảy đàn tạo ra “âm bồi”, tức là dây rung do que gảy ngay tức thì chạm lần nữa vào cườm bàn tay hoặc cạnh ngón tay, để phát ra thứ âm thanh kỳ lạ và mê hoặc không nhạc cụ nào trên đời hơn được. Nếu như cao độ của những nốt nhạc phát ra từ đàn Phương Tây như piano hay organ luôn xác định, thì âm thanh Đàn Bầu lại đọng lại giữa những khoảng cao độ đó. Tiếng Đàn Bầu vì thế không còn là tiếng ngân rung của âm thực, với âm sắc dễ nhận ra của dây tơ, dây thép mà đã biến ảo, để rất gần với giọng nói con người. Nó là giọng hát của người đã được mượt hóa và ngọt hóa, để ngân lên các cung bậc sâu thẳm và phong phú vô cùng tận của tâm hồn người, nhưng lại ẩn đi phần ngữ nghĩa của lời ca, vì thế càng đa nghĩa và thâm sâu tuyệt đỉnh.

Từ khóa:  

Bình luận