các nhạc cụ làm bằng tre nứa - NHẠC CỤ PHONG VÂN

các nhạc cụ làm bằng tre nứa

các nhạc cụ làm bằng tre nứa

Nhạc cụ tre nứa còn là một trong 5 hệ của nhạc cụ gõ dân gian đã được đề cập đến (hệ đá, hệ đồng sắt, hệ tre nứa, hệ gỗ và hệ màng da). Có thể nói, nhạc cụ tre nứa chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, gắn bó với cuộc sống và trong lao động sản xuất, cùng phong tục tập quán, lễ hội của mỗi miền, mỗi địa phương góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn, tình cảm. Ngay từ khi ra đời, nhạc cụ tre nứa dân gian đã là một hệ nhạc cụ hoàn chỉnh có vai trò riêng, phong phú về số lượng, đặc sắc về âm thanh, đa dạng về cấu trúc, tạo nên vẻ độc đáo riêng cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

dan t rung

Đàn T’rưng

Dựa vào nguồn âm của nhạc cụ mà người ta chia nhạc cụ tre nứa thành 3 loại: nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và nhạc cụ tự thân vang. Nhạc cụ dây gồm: Goong Kham (Ê Đê), Roong rơla (Mơ Nông), Poong pang (Mường)… là những nhạc cụ mà khi được tác động, dây căng rung lên, tạo ra âm thanh.

Nhạc cụ hơi là nhạc cụ khi được tác động bằng không khí để tạo ra âm thanh. Nó bao gồm các loại Pí (Pí tam lang, Pí đôi, Pí ló, Pí thiu, Pí phắp…), khèn (dân tộc Thái, Tà ôi, Pa cô..), K’long put (dân tộc Ba-Na, Xê-Đăng). Nhạc cụ tự thân vang gồm mõ, t’rưng (dân tộc Ba-Na, Gia Rai, Xê-Đăng) là những nhạc cụ khi được tác động, toàn thân nhạc khí rung lên, tạo thành âm thanh.

Nhạc cụ tre nứa mang tính phổ biến bởi nó được tạo nên từ chất liệu thô sơ, vốn rất sẵn có ở mọi nơi, như trong vườn, làng mạc hay trong rừng. Đây cũng chính là nét đặc thù của loại hình nhạc cụ này. Mặc dù được làm từ tre nứa, có cấu tạo đơn giản, nhưng nó lại có khả năng gây sự chú ý cho người nghe.

Cũng chính vì thế mà nhạc cụ tre nứa chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống nhạc cụ dân tộc. Từ những ống tre, ống bương gùi nước ở suối, đồng bào Thái đã biến nó thành loại nhạc khí có tác dụng độc đáo, hấp dẫn người nghe.

bieu dien dan klong put
Đàn Klongput

Nhạc cụ tre nứa cũng như các loại nhạc cụ dân tộc khác, do được sản sinh từ xa xưa nên chúng không tránh khỏi những nhược điểm, đặc biệt là về mặt âm lượng. Trừ các loại nhạc khí thân vang thì hầu hết chúng đều phát ra âm thanh nhỏ nhẹ, độ ngân có giới hạn.

Khi âm nhạc cổ truyền chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc phương Tây và đòi hỏi của xã hội ngày càng cao thì loại nhạc cụ tre nứa nói riêng và các loại nhạc cụ dân tộc nói chung đều được cải tiến để đáp ứng được nhu cầu diễn tả những tâm tư, tình cảm của con người đối với xã hội.

ban khen mong phong van
Múa khèn

Qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, nhạc cụ tre nứa vẫn ngân vang, nói lên những vui buồn, ước mơ, khát vọng của đồng bào dân tộc Việt Nam. Nó là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc anh em, giữa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới.

Do vậy, ngày nay, nhạc cụ tre nứa là loại hình vô cùng độc đáo trong kho tàng nhạc cụ dân tộc. Nó góp phần làm tăng thêm những giá trị tiềm ẩn của nền âm nhạc nước nhà, là sản phẩm đặc thù thể hiện tính văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.

 
Ở Việt Nam ta mỗi vùng, có một loại dân ca lễ hội, mỗi dân tộc có một loại nhạc cụ độc đáo để phục vụ cho các lễ hội dân gian đặc sắc đó. Người Ê Đê, Ba Na (Tây Nguyên) có đàn Tơ Rưng, người Chăm có khèn Sa Ra Nai, trồng Pa Ra Nưng, người Việt có kèn Bầu…

012

Đồng bào dân tộc Raglai ở Ninh Thuận có đàn đá Bác Ái, một loại nhạc cụ độc đáo từ cổ xưa để lại, trong các lễ hội dân gian người ta còn dùng Mã La để phụ họa cho múa, cho hát, nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là đàn Chapi, một loại nhạc cụ bằng ống bương (tre) được các nghệ nhân người Raglai chế tác và chơi trong các lễ hội dân gian, nhất là trong các ngày lễ tết của đồng bào dân tộc như: lễ bỏ mả, lễ lúa mới, lễ xuống đồng, Tết Nguyên Đán… Các cụ già Raglai kể Chapi là loại đàn của người nghèo, vì lẽ một chiếc đàn Mã La cổ loại tốt phải đổi bằng một con trâu hoặc hai con bò, một bộ Mã La hoàn chỉnh phải từ 9 đến 12 chiếc, còm Chapi thì ngược lại, chỉ một ngày đi rừng tìm tre to về làm là hôm sau có thể chơi được rồi mà chẳng khác nào một bộ Mã thu nhỏ.

Đàn Chapi của đồng bào Raglai độc đáo ở chỗ khi nghệ nhân đàn lên ta nghe như có suối chảy róc rách, như có tiếng đàn Tơ Rưng, nghe kỹ như là đàn đá, nhắm mắt lại ta mường tượng như 8, 9 thanh niên đang chơi Mã La vậy.

Hình thù đàn Chapi đơn giản chỉ là một ống tre to, người nghệ nhân tách vỏ tre lên là dây, sau đó họ vót miếng tre thật nhẵn nhét vào giữa hai sợ dây song song, cứ như thế người ta làm từ 5 đến 8 miếng tre, tùy theo vùng, ở Bác Ái thì có 8 miếng. Khi chơi người nghệ nhân áp một đầu ống vào bụng, dùng hai hai vừa nâng đàn vừa lấy các ngón tay bật vào các miếng tre, miếng tre rung lên trên hai sợi vỏ tre phát thành tiếng nhạc độc đáo. Ở Bác Ái (Ninh Thuận) đồng bào Raglai thường dùng vào các ngày lễ, ngày tết, hầu hết đồng bào đều biết chơi đàn này. Ngày nay, đàn Chapi không còn bó gọn trong cộng đồng người Raglai nữa mà tiếng vang của nó đã lan ra toàn quốc và quốc tế.

Cứ tết đến, mùa xuân về, bên bếp lửa hồng, người già uống rượu cần, con trai đánh đàn Chapi, con gái múa sanh tiền, cùng với Mã La phụ họa tạo nên một không khí hội hè vui tươi đến thâu canh suốt sáng. Cứ mỗi dịp như thế, con trai bắt được vợ, con gái bắt được chồng, bởi tiếng đàng Chapi của người con trai làm bối rối người con gái, điệu múa của người con gái làm xiêu lòng người con trai… Cứ như thế, mùa xuân ngày tết ở buôn (làng) người Raglai kéo dài bất tận như tiếng đàn Chapi vậy.

 

Từ khóa:  

Bình luận